ITF và JNG vừa đạt được thỏa thuận, theo đó thuyền viên trên toàn thế giới sẽ được tăng lương 5% trong hai năm tới sau các cuộc đàm phán tại Diễn đàn Thương lượng Quốc tế (IBF) ở Singapore trong tháng 5/2025.

Mức tăng lương này sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn: tăng 3,5% bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2026, và tăng thêm 1,5% từ ngày 1 tháng 1 năm 2027.

Thỏa thuận này được đàm phán trong khuôn khổ IBF – một cấu trúc toàn cầu độc đáo tạo ra Thỏa ước Lao động Tập thể (CBA) lớn nhất thế giới. IBF bao phủ hơn 11.000 tàu và trên 400.000 thuyền viên, với sự tham gia của gần 500 nhà tuyển dụng trong ngành hàng hải cùng với Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF) và các công đoàn hàng hải thành viên trên toàn thế giới.

Các bên tham gia IBF cũng đã thống nhất tăng mức trợ cấp tử vong và thương tật trong phiên bản hiện tại của Thỏa thuận Khung IBF, phù hợp với mức tăng lương 5%.

Chủ tịch ITF và Chủ tịch Bộ phận Công nhân Cảng, ông Paddy Crumlin, cho biết: “Điều quan trọng là những người đi biển – trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng – không bị giảm lương thực tế. Dù cuộc đàm phán lần này đầy thách thức, chúng tôi rất vui mừng vì đã đạt được điều đó. Chúng ta không thể quên rằng những người đi biển đã trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn trong những năm gần đây – từ đại dịch, đến các cuộc xung đột đang diễn ra ảnh hưởng đến các tuyến hàng hải, và giờ là bất ổn chính trị làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Vượt qua tất cả, họ vẫn kiên cường bám nghề, và họ xứng đáng với từng xu của khoản tăng lương lần này.”

Người phát ngôn ITF kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Bộ phận Thuyền viên ITF, ông Conrad Oca, nói: “Đây không phải là một cuộc đàm phán dễ dàng, và như thường lệ, kết quả đạt được là sự nhượng bộ từ cả hai phía. Nhưng tôi vui mừng nói rằng kết quả này là hợp lý và công bằng đối với những người đi biển – những người cần một mức lương phù hợp với chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Bên cạnh đó, việc giữ cho nghề đi biển hấp dẫn đối với lực lượng lao động hiện tại cũng như những người trẻ là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh ngành hàng hải đang đối mặt với khủng hoảng về tuyển dụng và giữ chân lao động.”

Người phát ngôn của Nhóm Đàm phán Chung (JNG) – đại diện các chủ tàu, đồng thời là Chủ tịch IMEC, Thuyền trưởng Belal Ahmed, cho biết: “Đây là một cuộc đàm phán khó khăn vì ngành vận tải biển đang chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn do những thách thức từ toàn cầu hóa và thương mại thế giới. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của IBF là đảm bảo ngành hàng hải phát triển bền vững. Thỏa thuận mà chúng tôi đạt được vừa giúp giữ vững nguyên tắc này, vừa đảm bảo mức tăng lương hợp lý cho những người đi biển – những người đóng vai trò then chốt và giúp ngành luôn vận hành trơn tru.”

Chủ tịch IMMAJ, ông Toshihito Inoue, chia sẻ: “Cuộc đàm phán khó khăn hơn chúng tôi dự đoán do chi phí sinh hoạt tăng mạnh trong những năm gần đây – điều này ảnh hưởng không chỉ đến người đi biển mà cả chủ tàu. Tôi nghĩ rằng ITF và JNG đã đàm phán thiện chí và tìm mọi cách để đi đến một thỏa thuận được cả hai bên chấp thuận. Tôi rất vui khi cuối cùng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận.”

Về ITF: Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF) là một liên đoàn dân chủ, được công nhận là tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải. ITF đấu tranh mạnh mẽ để cải thiện đời sống người lao động, kết nối hơn 730 công đoàn thành viên tại hơn 150 quốc gia nhằm bảo vệ quyền lợi, bình đẳng và công lý cho người lao động trên toàn cầu. ITF là tiếng nói đại diện cho hơn 16,5 triệu công nhân ngành vận tải trên toàn thế giới.

Về JNG: Nhóm Đàm phán Chung (JNG) là cơ chế phối hợp quan điểm của các nhà tuyển dụng trong ngành hàng hải từ khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, JNG bao gồm Hội đồng các Nhà tuyển dụng Hàng hải Quốc tế (IMEC), Hiệp hội Quản lý Thuyền viên Quốc tế Nhật Bản (IMMAJ), Hiệp hội Chủ tàu Hàn Quốc (KSA) và công ty Evergreen có trụ sở tại Đài Loan.

Về IBF: IBF được thành lập vào năm 2003 như một cơ chế thương lượng tập thể giữa các chủ tàu và công đoàn nhằm thống nhất về tiền lương và điều kiện làm việc cho thuyền viên làm việc trên các tàu mang cờ mở (open register), được ITF phân loại là cờ thuận tiện (flag of convenience). Với hơn 11.000 tàu được bao phủ bởi thỏa thuận đạt được vào tháng trước, thỏa thuận ITF-JNG IBF là thỏa thuận lương tập thể khu vực tư nhân lớn nhất thế giới.

 

Nguồn: www.itfseafarers.org