Nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động thuyền viên Việt nam đi làm việc trên tàu biển nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng mạnh trong các năm gần đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lao động thuyền viên hiện vẫn hạn chế đặc biệt ở khối thuyền viên chất lượng cao làm việc trên các con tàu siêu trường siêu trọng ứng dụng các kỹ thuật mới, hiện đại. Để đáp ứng xu hướng phát triển của ngành trong tương lai, các doanh nghiệp cần có chiến lược, chính sách phù hợp để mở rộng, phát triển nguồn lao động của mình.

Thực trạng cầu nhiều hơn cung lao động.

Thực tế nhiều doanh nghiệp cung ứng thuyền viên đang có nhu cầu tuyển dụng liên tục nguồn nhân lực cho ngành hàng hải để bổ sung vào đội ngũ thuyền viên đang làm việc trên các đội tàu nước ngoài. Tuy nhiên, việc tuyển dụng thuyền viên để đáp ứng đủ theo yêu cầu chuyển môn của chủ tàu/quản lý tàu là không hề dễ dàng đặc biệt đối với các chức danh sỹ quan trên các đội tàu cỡ Panamax size và Cape-size. Bên cạnh đó việc giữ chân thuyền viên cũng là một khó khăn nếu công ty không xậy dựng các chính sách hiệu quả để thu hút hấp dẫn thuyền viên như mức lương, quy trình đào tạo và thăng tiến rõ ràng, các chính sách phục lợi…

Xu hướng phát triển lao động ngành đi biển.

Xu hướng lao động ngành đi biển tại Việt Nam trong tương lai dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do đây là nghề có thu nhập tương đối tốt, tích lỹ nhanh và điều kiện sinh hoạt và làm việc trên tàu ngày cảng được cải thiện tốt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế qua đường biển ngày càng gia tăng nên lao động ngành đi biển sẽ có nhiều cơ hội việc làm cũng như tiềm năng phát triển ngành.

Thêm nữa, các chủ tàu nước ngoài ngày càng đánh giá cao và hướng đến sử dụng thuyền viên Việt Nam lâu dài bởi các ưu thế cạnh tranh với các thuyền viên nước khác như mức lương, tính chăm chỉ chịu khó, thông minh sáng tạo trong xử lý công việc. Vậy nên, nhu cầu tuyển dụng thuyền viên và sỹ quan hàng hải chất lượng cao trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục còn mở rộng, đặc biệt tại các thành phố có nhu cầu lớn về thuyền viên như Hải Phòng.

Ngoài ra, các công ty chủ tàu/quản lý tàu/quản lý thuyền viên sẽ luôn cạnh tranh trong việc đổi mới, cải thiện các chính sách thu hút, đào tạo và đãi ngộ cho thuyền viên như là các yếu tố quyết định để ổn định và phát triển mở rộng đội ngũ sỹ quan thuyền viên của mình. Xu hướng của các doanh nghiệp trong ngành sẽ ngày càng nâng cao đời sống, điều kiện làm việc của thuyền viên trên tàu và có chế độ đãi ngộ tốt hơn để giữ chân người lao động trong tình hình thị trường lao đông thuyền viên không nhiều, đặc biệt là thuyền viên chất lượng cao.